Truyền thuyết về hình mô phỏng HÀ ĐỒ và LẠC THƯ trong Kinh Dịch

Tự học phong thủy thì các bạn sẽ tìm thấy hai họa đồ rất quen thuộc là Hà ĐồLạc Thư. Chúng xuất hiện từ thời xa xưa ở Trung Hoa cổ đại và được lưu truyền trong Kinh Dịch cho đến tận ngày nay qua các truyền thuyết hấp dẫn. Người học phong thủy cần hiểu rõ về hai họa đồ này cũng như nắm được nguyên lý vận hành của nó.

Nội dung chính:

1. Truyền thuyết về Hà đồ và Lạc Thư

Hà Đồ là gì?

Theo truyền thuyết, vào thời vua Phục Hy, một con quái vật xuất hiện trên sông Hoàng Hà khiến cho đất vùng Mãnh Tân bên bờ Hoàng Hà dần trở nên hoang vu. Hay tin, Phục Hy đem bảo kiếm đến bờ sông, ông biết con quái vật này chính là Long Mã. Long mã cũng biết Phục Hy là bậc thánh nhân nên nhả ra một miếng ngọc cho Phục Hy. Trên miếng ngọc này có khắc những vằn nét. Vằn nét của nó thì: số 1 và 6 ở dưới; số 2 và 7 ở trên; số 3 và 8 ở tả; số 4 và 9 ở hữu, số 5 và 10 ở chính giữa…”. Sau này các nhà dịch lý dựa vào truyền thuyết trên mà mô tả, minh họa nó thành mô hình sau đây, được gọi là HÀ ĐỒ (họa đồ trên sông Hoàng Hà).

Đồng thời, vua Phục Hy căn cứ vào đó để lập ra Tiên thiên bát quái.

Lạc Thư là gì?

Vào thời vua Đại Vũ, nước lũ tràn lan khắp nơi. Lúc thời điểm vua Đại Vũ đang trị thủy thì phát hiện một con rùa lớn bên bờ Lạc hà, con rùa dâng một miếng ngọc cho ngài. Miếng ngọc này có khắc Lạc Thư, Đại Vũ theo đó đẩy lùi nước lũ, phân định chín châu (cửu châu), đồng thời viết sách “Hồng phạm”. 

Chu Văn Vương đời sau căn cứ vào Lạc thư để lập ra Hậu thiên bát quái.

Tiên thiên bát quái và hậu thiên bát quái | NTH designer
Tiên thiên bát quái và hậu thiên bát quái | NTH designer

2. Nguyên lý vận hành của Hà Đồ

Nguyên lý của hà đồ, là dùng các chấm để biểu thị tổ hợp thành, bao gồm từ 1 chấm đến 10 chấm.

Tạo ra một tổ hợp đồ hình như sau: 5 vào 10 cấu thành trung cung. Với số lẻ là dương, màu trắng, đại diện cho Thiên số (sinh số). Còn số chẵn là Âm, màu đen, đại diện Địa số (thành số).

Hà đồ lấy 10 số này tạo hợp thành 5 phương, ngũ hành, Âm Dương, tượng Thiên Địa.

Phương pháp đồ hình, là lấy vòng trắng làm Dương, là Trời, là số lẻ. Còn chấm đen là Âm, là Đất, là số chẵn. Kèm theo đó là lấy Trời Đất hợp 5 phương, lấy Âm Dương hợp ngũ hành.

Hà Đồ vẽ thành Tiên Thiên Bát Quái

Hình mô phỏng HÀ ĐỒ trong truyền thuyết
Hình mô phỏng HÀ ĐỒ trong truyền thuyết
  • Ở phương bắc: Là 1 chấm trắng bên trong, 6 chấm đen bên ngoài. Tương ứng với sao Huyền Vũ, ngũ hành thủy (tượng trưng cho nước).
  • Ở phương đông: Là 3 chấm trắng bên trong, 8 chấm đen bên ngoài. Tương ứng với sao Thanh Long, ngũ hành là mộc (tượng trưng cho cây, gỗ).
  • Ở phương nam: 2 chấm đen bên trong, 7 chấm trắng bên ngoài. Tương ứng với sao Chu Tước, ngũ hành là hỏa (tượng trưng cho lửa).
  • Ở phương tây: 4 chấm đen bên trong, 9 chấm trắng bên ngoài. Tương ứng với sao Bạch Hổ, ngũ hành là kim (tượng trưng cho kim loại, vàng).
  • Ở giữa (trung ương): 5 chấm trắng bên trong, 10 chấm đen bên ngoài, ngũ hành là thổ (tượng trưng cho đất).

3. Nguyên lý vận hành của Lạc Thư

Đối với lạc thư thì bao gồm 9 cung, nghĩa là từ 1 đến 9 sắp xếp thành. Bao gồm ngang, dọc, chéo, tổng của 3 số đều là 15.

Ở trong toán học, nó thuộc về ma trận kỳ ảo bậc 3. Sách xưa đã tổng kết thành khẩu quyết: đội 9 đạp 1, trái 3 phải 7, 2, 4 là vai, 6, 8 là chân, số 5 ở giữa.

Hình mô phỏng Lạc Thư trong truyền thuyết
Hình mô phỏng Lạc Thư trong truyền thuyết
  • Số 1 tương ứng thái dương, còn số 9 là số thái dương, do đó 1 và 9 đối nhau.
  • Số 2 tương ứng thiếu âm, còn số 8 là số thiếu âm, do đó 2 và 8 đối nhau.
  • Số 3 tương ứng thiếu dương, còn số 7 là số thiếu dương, do đó số 3 và 7 đối nhau.
  • Số 4 tương ứng thái âm, còn số 6 là số thái âm, do đó số 4 và 6 đối nhau.

Là cách lấy số của Lạc thư để luận dịch, về lý âm dương, số chẵn lẻ, nơi phương vị.

“Lạc thư vẽ thành Hậu Thiên Bát Quái”

Các số của Lạc Thư được sắp sếp tương ứng với các quẻ trong Hậu Thiên Bát Quái:

Các quẻ trong Hậu Thiên Bát Quái
Các quẻ trong Hậu Thiên Bát Quái

Sự sắp xếp này, được ứng dụng trong phong thủy, xem tử vi, và được gọi là Lạc thư quỹ tích.

4. Sự tồn tại song song giữa Hà Đồ và Lạc Thư

HÀ ĐỒ LẠC THƯ
Hà Đồ tượng trưng
cho Nôi Giới (Thiên)
Lạc Thư tương trưng
cho Ngoại Giới (Địạ)
Hà Đồ thuộc về Lí
Thái Cực, vô hình
Lạc Thư thuộc về Khí
Vũ Trụ, hữu hình
Hà Đồ là Thể Lạc Thư là Dụng
Hà Đồ thuộc về
Nội Hướng Tiên Thiên
Lạc Thư thuộc về
Ngoại Hướng Hậu Thiên
Hà Đồ là Đạo
 Nội Thánh, nội trị
Lạc Thư là Đạo
Ngoại Vương, ngoại trị

5. Ý nghĩa của Hà Đồ và Lạc Thư đối với Phong Thủy

Ứng dụng bát quái trong Đông y

Nền tảng cơ bản của lý thuyết Đông y là cân bằng âm dương trong cơ thể con người. Nếu một người mà mất cân bằng âm dương thì người đó có bệnh. Âm dương là khí huyết trong cơ thể khí thuộc dương và máu thuộc âm, khí vận hành tới bộ phận nào trong cơ thể thì huyết cũng vận hành tới đó, khí và huyết phải lưu thông và tuần hoàn khắp lục phủ ngũ tạng thì cơ thể mới khỏe mạnh được, nếu một bộ phận nào đó trong cơ thể mà máu tới được nhưng khí không thể tới được hoặc khí tới được mà máu không tới được thì máu sẽ tụ lại và chỗ tụ đó bị sưng lên thành bệnh tật.

Đông y dùng lý luận bát quái ở Hà Đồ để truy tìm cội nguồn của bệnh tật ở người và đề ra phương pháp trị bệnh và phòng bệnh một cách có hiệu quả nhất.

Thước Lỗ Ban để tính toán một số chi tiết nội thất trong nhà

Từ khi học thuyết về Hà đồ xuất hiện thì người ta liền ứng dụng nó trong tất cả các lĩnh vực của cuộc sống, trong đó có thước Lỗ ban. 

Người sáng tạo ra thước Lỗ ban là công thâu Ban, người nước Lỗ thuộc đời Xuân Thu của Trung Quốc. Thước Lỗ ban dựa trên nền tảng của 8 cung bát quái và 5 ngũ hành chính của trời đất. Mỗi đại cung có chiều dài là 6.5cm. Vậy tám đại cung là chiều dài của thước Lỗ ban là 52cm. Trong mỗi đại cung được chia làm 5 tiểu cung để tượng trưng cho 5 ngũ hành, mỗi tiểu cung có độ dài là 1.3cm. Thước Lỗ ban có 4 đại cung tốt và 4 đại cung xấu; đó là mang ý nghĩa của âm dương trong bát quái.

Người Trung Quốc và Việt Nam dùng thước Lỗ ban để làm nhà, làm các dụng cụ thuộc đồ mộc trong trang trí nội thất, mở cửa ngõ của ngôi nhà…

  • Ví dụ: Muốn đóng 1 cái tủ đựng áo quần.

* Chiều cao của tủ phải chọn là 3 cần thước Lỗ ban: 0.52 x 3 = 1.56m, cộng thêm độ dài của cung Thanh Quý trong đại cung Thiên Tái là: 1.3cm x 3 =3.9 cm. Tổng cộng 1.56 m + 3.9cm = 1.95m. 

Đây là kích thước chiều cao của Tủ ứng vài đại cung Thiên tài và tiểu cung Thanh Quý.

* Chiều rộng của tủ lấy bằng 1 khẩu độ của thước tức là bằng 0.52 m ứng vào đại cung Tể tướng và tiểu cung Quý nhân.

* Chiều dài của tủ phải lấy bằng 4 lần chiều dài của thước: 0.52 x 4 = 2.08 m, cộng thêm một phần của cung Quý Nhân là: 1.3cm x 3 (Phát Quan) = 3.9cm. Tổng cộng là: 2.08 m + 0.039 = 2.19 m, lấy tròn là: 2.20m, cũng vào tiểu cung Phát đạt của đại cung Quý nhân.

– Tóm lại việc ứng dụng thước Lỗ ban là phải sáng tạo sao cho phù hợp với không gian căn nhà.

Kết luận

Ma trận Hà Đồ và Lạc Thư vẫn được sử dụng nhiều trong thuật Phong thủy ngày nay. Hà đồ và Lạc thư là nền tảng cơ bản để cấu thành Kinh dịch, mà Kinh dịch thuở sơ khai chỉ là dùng để bói toán điềm lành dữ, sau này được các nhà dịch lý khai thác và nó trở thành nền triết học Đông Phương. 

Truyền thuyết thì bất cứ dân tộc nào trên thế giới này cũng có, nó chỉ muốn nói lên các ý muốn tốt đẹp của con người trong cuộc sống, muốn gửi gắm tâm tư nguyện vọng của con người để vượt qua các khó khăn gian khổ của cuộc đời.

Duy truyền thuyết về Hà đồ và Lạc thì khác hẳn các truyền thuyết khác vì nó đi từ cái trừu tượng thành cái hiện thực mà cụ thể là trở thành nền triết lý của vũ trụ quan và nhân sinh quan cuộc sống. Biến cái vô hình thành hữu hình và ứng dụng nó có hiệu quả trong tất cả các lĩnh vực của cuộc sống. Lấy các hiện tượng vô hình của Trời đất để áp dụng vào đời sống hiện thực của con người.

5/5 - (5 bình chọn)
Lên đầu trang