Các loại gỗ công nghiệp tốt nhất hiện nay được sử dụng trong ngành thiết kế, sản xuất sản phẩm nội thất gia đình hiện đại ngày nay đã trở thành lựa chọn hiệu quả và được ưu chuộng nhiều nhất. Ngay cả người tiêu dùng cũng hoàn toàn bị mê hoặc bởi rất nhiều lợi ích từ những vật dụng nội thất mà chúng mang lại. Vậy bạn có biết gỗ công nghiệp là gì và liệu rằng nó có thực sự có ích cho cuộc sống của bạn hay không?
Bài viết hôm nay là tổng hợp những chia sẻ và kiến thức hữu ích nhất từ nhà cung cấp gỗ, các nhà thiết kế và trang trí nội thất, các nhà xưởng và khách hàng đã sử dụng nội thất gỗ công nghiệp.
Nội dung chính:
- Gỗ công nghiệp là gì?
- 9 loại gỗ được dùng nhiều trong nội thất
- So sánh ưu nhược điểm gỗ công nghiệp với gỗ tự nhiên
- Bảng giá các loại ván gỗ công nghiệp tham khảo
- Mẫu đồ nội thất gỗ công nghiệp cho văn phòng và gia đình
Gỗ công nghiệp là gì?
Gỗ công nghiệp là một thuật ngữ dùng để chỉ loại gỗ được sản xuất nhân tạo bằng cách kết hợp gỗ tự nhiên được xử lý cùng với các chất keo kết dính đặc biệt để tạo thành tấm ván lớn hoặc khối gỗ lớn hơn mang những đặc tính khác biệt, phục vụ cho nhiều mục đích khác nhau.
Các phương pháp xử lý gỗ tự nhiên để không bị mối mọt trước khi làm gỗ công nghiệp thành phẩm có thể là:
- Băm nhuyễn: để tạo thành ván dăm (gỗ MFC)
- Xay thành bột mịn: để tạo thành ván có cường độ chịu lực cao hơn (MDF, HDF…)
- Xẻ thành lớp mỏng: để tạo thành lớp phủ bề mặt Veneer hoặc ép từng lớp tạo thành ván gỗ Plywood.
- Xẻ thanh nhỏ: để ghép lại tạo thành ván gỗ ghép thanh hoặc gỗ ghép tấm như cao su, tràm, xoan đào, tấm tre ép…
“Gỗ công nghiệp tiếng Anh là Wood – Based Panel
Trong phạm vi bài viết này, mình sẽ không đề cập đến loại gỗ ghép thanh. Vì loại gỗ này có mang những đặc tính khá khác biệt mà mình sẽ chia sẻ cụ thể sau. Thay vào đó là tập trung vào gỗ công nghiệp phổ biến khác với phôi gỗ (cốt gỗ) là MFC, MDF, HDF…
Cấu tạo gỗ công nghiệp
Nhiều khách hàng chưa hiểu rõ về gỗ công nghiệp, chỉ được biết vài thông tin hạn chế thông qua các nhân viên tư vấn bán hàng nội thất, thường hay gọi tên chung là gỗ MDF, MFC… Thực tế, ván gỗ hoàn thiện hiện nay thường có 2 thành phần cơ bản, đó là: :
- Lớp phủ bề mặt
- Cốt gỗ (hay còn gọi là phôi gỗ)
– Lớp phủ bề mặt gỗ công nghiệp rất đa dạng và phong phú. Nó không những bảo vệ cốt gỗ bên trong mà còn mang lại vẻ đẹp tuyệt mỹ cho sản phẩm nội thất gia đình làm từ gỗ công nghiệp. Bạn đọc có thể tìm hiểu kỹ hơn trong bài viết lớp phủ gỗ công nghiệp và Màu gỗ công nghiệp mà tôi đăng trong chuyên mục Kiến trúc $ Nội Thất. Về cơ bản thì đó là các lớp bề mặt sau:
- Lớp phủ bề mặt gỗ Melamine
- Lớp phủ bề mặt gỗ Veneer
- Lớp phủ bề mặt gỗ Laminate
- Lớp phủ bề mặt gỗ Acrylic
- Lớp phủ bề mặt gỗ PU, 2K, UV
- Lớp phủ bề mặt gỗ Vinyl
– Cốt gỗ công nghiệp hiện đang được sử dụng ở hầu hết các nhà máy ván gỗ ở Việt Nam gồm có:
- Cốt gỗ MFC (chống ẩm và không chống ẩm)
- Cốt gỗ MDF (chống ẩm và không chống ẩm)
- Cốt gỗ HDF (siêu chống ẩm)
- Cốt gỗ Plywood (chống ẩm và không chống ẩm)
- Cốt gỗ CDF hay Black HDF (siêu chống ẩm, siêu bền, cứng)
- Cốt gỗ WPC/ WPB (siêu chống ẩm và kháng nước tuyệt đối)
Phân loại gỗ công nghiệp
Thành phần tạo nên cốt gỗ công nghiệp rất đa dạng, có thể từ các cành cây, nhánh cây vụn mà xây, ép thành. Một số được tạo nên từ việc khai thác nguyên cả thân cây gỗ để cho ra chất lượng cao nhất. Một số là sự tổng hợp từ gỗ và nhựa tổng hợp để có được đặc tính kỹ thuật như kháng nước, chống ẩm tuyệt đối… Và tương ứng với những đặc tính của từng loại gỗ thì sẽ có mức giá khác nhau, mang lại nhiều sự lựa chọn cho khách hàng.
Lựa chọn được một loại cốt gỗ tốt sẽ đảm bảo được độ bền chắc và tuổi thọ của sản phẩm lâu dài hơn. Phần dưới đây là chi tiết về từng loại gỗ công nghiệp dùng trong nội thất nhiều nhất.
1. Gỗ công nghiệp MFC
Tên gọi gỗ công nghiệp MFC là chữ viết tắt từ Melamine Face Chipboard trong tiếng Anh. Ngoài ra còn có các tên gọi khác là gỗ Okal hoặc ván dăm PB. Loại gỗ MFC này có nguồn gốc là các nguyên liệu ngắn ngày như nhánh cây, cành cây cao su, bạch đàn hoặc keo tràm chứ không cần sử dụng đến cây rất lâu năm.
Quy trình để gia công nên loại gỗ này cũng cần trải qua khá nhiều các công đoạn từ đơn giản cho đến phức tạp. Sản phẩm hoàn thiện cuối cùng là một tấm phôi ván phẳng với nhiều thông số kích thước khác nhau. Phổ biến là:
- Độ dày: 9ly, 12ly, 15ly, 18 ly (17ly) , 25ly
- Kích thước tiêu chuẩn: 1220 x 2440 mm (áp dụng ván Mfc dày 9 – 25 mm)
- Kích thước vượt khổ:, 1830 x 2440 mm (áp dụng ván Mfc dày 12/18/25 mm)
- Kích thước lớn vượt khổ: 1220 x 2745 mm (chỉ có ở ván 18 ly và 25 ly)
Nhìn bằng mắt thường, có thể phân được ngay ván gỗ MFC so với những loại khác bởi chúng không có mịn màng mà kiểu như những dăm gỗ nhỏ dính lại với nhau. Đồng thời, các nhà máy đã kết hợp cùng những loại chất kết dính đặc biệt để cho ra hai dòng ván Mfc phổ thông là: gỗ MFC chống ẩm và MFC không chống ẩm.
Lớp phủ bề mặt gỗ MFC cũng rất đa dạng từ Melamine, Laminate, Veneer, Acrylic, PU, UV có các màu vân trơn (trắng, đen, xanh, ghi, vàng, đỏ, nâu…) cho đến các màu vân gỗ (màu gỗ sồi 388, màu gỗ thích, giá tỵ, anh đào, giẻ gai, tràm, tần bì…) hay các màu giả vân đá, vân hoa văn vải… tất cả đều gần giống với gỗ thật, gỗ tự nhiên.
* Đánh giá chất lượng gỗ MFC
Gỗ công nghiệp cốt gỗ ván dăm MFC rất được ưa chuộng trong ngành nội thất gia đình bởi giá thành rẻ, chất lượng tương đối, đáp ứng đến 70% nhu cầu của người tiêu dùng. Phù hợp để sử dụng cho các vật dụng nội thất đặt ở các vị trí khô ráo, thoáng, tránh ánh nắng trực tiếp như: bàn ghế phòng làm việc, tủ quần áo, kệ sách, kệ tivi… Với loại gỗ MFC chống ẩm, có thể sử dụng làm nội thất (tủ bếp trên, tủ vệ sinh, vách toilet..) cho khu vực có chút ít độ ẩm như nhà bếp, phòng thí nghiệm, bệnh viện…
2. Gỗ công nghiệp MDF
Tên gọi gỗ MDF là chữ viết tắt từ Medium Density Fiberboard trong tiếng Anh. Loại gỗ MDF này có nguồn gốc là các nguyên liệu tương tự như gỗ MFC hoặc từ các thân cây gỗ tạp, ngắn ngày. Tuy nhiên sau khi khai thác loại gỗ này sẽ được nghiền nhỏ thành sợi chứ không dăm như gỗ MFC.
Với công nghệ chế biến phức tạp hơn, gỗ MDF có chất lượng, đặc tính kỹ thuật và giá trị cao hơn hẳn so với ván dăm MFC dù có cùng nhiều thông số kích thước tiêu chuẩn, bề dày như nhau.
Để phân biệt MFC và MDF, chúng ta có thể quan sát bằng mắt thường nhờ vào những hạt dăm trên MFC, còn MDF lõi vàng (không chống ẩm) và MDF lõi xanh (chống ẩm) thì hạt rất mịn như hình dưới đây.
Cốt gỗ MDF cũng được chia thành hai loại phổ thông là loại chống ẩm và không chống ẩm. Tương tự, lớp phủ bề mặt cốt gỗ MDF cũng đa dạng không kém cạnh so với MFC, thậm chí còn có nhiều màu sắc độc đáo hơn như màu kim loại, giả da, giả kính, giả đá…
* Đánh giá chất lượng gỗ MDF
Gỗ MDF thuộc hàng phổ biến thứ hai sau MFC trong lĩnh vực nội thất văn phòng, thường được dân trong nghề gọi đơn giản là gỗ công nghiệp lõi xanh (ý nói đến ván gỗ MDF chống ẩm, lõi màu xanh).
Xét về mặt chất lượng và giá trị, gỗ MDF có phần nhỉnh hơn so với một vài loại gỗ tự nhiên thông thường. Khá phù hợp để làm vật liệu trang trí cho văn phòng, nhà hàng, các vật dụng nội thất trong gia đình ở biệt thự, nhà phố, căn hộ.
3. Gỗ công nghiệp HDF
Tên gọi gỗ HDF là chữ viết tắt từ High Density Fiberboard trong tiếng Anh. Có thành phần cấu tạo từ 80% là gỗ tự nhiên, phần còn lại là các chất kết dính và phụ gia chuyên ngành.
Tấm gỗ HDF có quy trình sản xuất cực kỳ phức tạp, nhưng mang lại chất lượng và giá trị cốt lõi vượt trội so với các dòng gỗ MDF, MFC về: tỷ trọng, độ cứng, khả năng chống ẩm, kháng nước và ổn định, nhất là không mối mọt cong vênh theo thời gian.
Các thông số kích thước và bề dày tấm HDF tiêu chuẩn tương tự tấm MFC và MDF. Tuy nhiên chỉ một số ít lớp phủ bề mặt phù hợp và được nhà sản xuất gỗ tồn kho sẵn, bởi giá của nó thuộc hàng siêu đắt trong số ván gỗ công nghiệp.
* Đánh giá chất lượng gỗ HDF
Chất liệu gỗ HDF có nhiều ưu điểm gần như vượt qua cả gỗ tự nhiên quý hiếm, xứng đáng là lựa chọn tốt nhất cho khách hàng cao cấp. Tuy nhiên giá thành cao và cần thời gian để thi công theo nhu cầu của khách hàng.
4. Gỗ công nghiệp CDF hay Black HDF
Tên gọi gỗ CDF là chữ viết tắt từ Compact Density Fiberboard trong tiếng Anh, hay còn được biết đến với tên gọi Black HDF.
Ván gỗ Black HDF chống ẩm có màu đen và có cấu tạo giống với loại gỗ HDF siêu chống ẩm thông thường, nhưng trong quá trình sản xuất thì được ép với lực nép cực lớn. Từ đó mà các đặc tính kỹ thuật của tấm gỗ CDF cũng hơn hẳn so với tấm gỗ HDF thông thường. Chẳng hạn:
- Khả năng chống ẩm, kháng nước cao hơn
- Tỷ trọng cao lên đến 900kg/m3
- Biên độ giãn nở thấp, ổn định bề mặt, chịu nhiệt cao, chống co ngót ít mối mọt.
Màu đen của tấm gỗ Black HDF là một đặc điểm để phân biệt với chất liệu gỗ HDF siêu chống ẩm thông thường
* Đánh giá chất lượng tấm gỗ CDF
Chất liệu gỗ CDF được đánh giá là một trong những loại ván gỗ công nghiệp cao cấp trên thị trường hiện nay. Với những đặc tính kỹ thuật và chất lượng cao, tấm gỗ Black HDF được ứng dụng trong thiết kế thi công nội thất văn phòng, nội thất để ngoài trời, các sản phẩm trong nhà bếp, nhà tắm, nhà vệ sinh, văn phòng…
5. Cốt gỗ dán hay ván ép Plywood
Gỗ dán, ván ép hay Plywood là dòng sản phẩm truyền thống, có từ lâu đời không những ở Việt Nam, mà còn phổ biến trên toàn thế giới.
Ván ép Plywood được làm hoàn toàn từ gỗ tự nhiên lạng mỏng (bề dày từ 1mm-3mm), mỗi một lớp xếp đan xen và kết dính bởi các chất keo chuyên dụng để tạo thành tấm gỗ phẳng, kích thước tiêu chuẩn. Một số được uốn cong để tạo ra những sản phẩm đặc biệt. Ở Việt Nam, ván ép Plywood phổ biến các bề dày từ 5 – 18mm. Tỷ trọng 480 – 600 kg/m3. Và có các kích thước tiêu chuẩn như các tấm gỗ công nghiệp MDF, MFC (1220 x 2440 mm).
Một số nhà máy gỗ công nghiệp tồn kho sẵn ở dạng thô, không trơn để giúp các xưởng sản xuất gỗ ép có thể tùy chỉnh gia công dán ép lớp Veneer và sơn phủ 2K. Ngoài ra, có một số đã được ép phủ lớp bề mặt với màu sắc vân gỗ đa dạng.
* Đánh giá chất lượng gỗ dán Plywood
Ván ép Plywood có khả năng chịu lực tốt hơn cũng như khả năng chống nước, chống ẩm tốt hơn nhiều so với MDF, MFC. Nên được sử dụng nhiều ở các môi trường tiếp xúc ẩm nhiều như tủ bếp dưới, tủ nhà vệ sinh, tủ nhà tắm.
Tuy nhiên, giá bán của các loại gỗ dán Plywood không hề rẻ. Có loại Plywood chống nước có giá gần bằng tấm gỗ công nghiệp HDF.
6. Gỗ công nghiệp WPB/ WPC
Tên gọi gỗ công nghiệp WPB là chữ viết tắt từ Water Proof Board trong tiếng Anh, hay còn được biết đến với tên gọi gỗ nhựa PVC. Ở một số nơi còn gọi tên là WPC (viết tắt của Wood Plastic Composite).
Gỗ nhựa WPB được cấu tạo từ 70% bột gỗ và 30% hạt nhựa PE hoặc PVC, kết hợp chất phụ gia liên kết và kết dính có nguồn gốc từ Cellulose hoặc vô cơ tạo thành một lớp đồng nhất. Ván gỗ nhựa WPB có đặc tính nhẹ, chậm cháy, hoàn toàn theo điều kiện tiếp xúc thông thường.
* Đánh giá chất lượng gỗ nhựa WPB
Với những đặc tính kỹ thuật khác biệt từ gỗ nhựa, mang lại nhiều ứng dụng trong thiết kế và thi công nội ngoại thất. Đặc biệt là mang lại sự an toàn cho sức khỏe của người sử dụng. Tuy nhiên giá thành khá đắt đỏ, kén chọn người sử dụng.
So sánh ưu nhược điểm của ván gỗ công nghiệp so với gỗ tự nhiên trong sản xuất nội thất
Chủ đề so sánh ưu điểm và nhược điểm của gỗ ép so với gỗ tự nhiên luôn được nhiều khách hàng quan tâm. Có những người vẫn tâm niệm theo kiểu “ba cái đồ ván ép” (ý nói gỗ kém chất lượng) và hoàn toàn phớt lờ với những đề xuất của các nhà thiết kế nội thất chuyên nghiệp.
Đấy là nếu các bạn chưa dùng gỗ công nghiệp, cũng như chưa hiểu rõ bản chất của từng loại ván gỗ là nên sử dụng ở khu vực khô ráo, thoáng hay ẩm ướt… Mặt khác, đó là chưa kể bạn đang so sánh với loại gỗ tự nhiên nào, có cùng phân khúc giá hay không…
Trong phạm vi bài viết hôm nay, mình sẽ chỉ ra một vài ưu nhược điểm thường thấy nhất của ván gỗ so với gỗ tự nhiên. Còn phần chi tiết hơn, mình sẽ chia sẻ trong bài viết khác.
Ưu điểm gỗ công nghiệp
# Thẩm mỹ và phong cách
Đây là ưu điểm vượt trội nhất của gỗ công nghiệp so với gỗ tự nhiên. Với màu sắn lên đến 1500 + màu vân giả gỗ, giả đá, giả kính, hoa văn vải, kim loại… Gỗ ép làm thỏa mãn bất kỳ một phong cách thiết kế nội thất nào từ cổ điển đến hiện đại, từ phong cách Scandinavian, phong cách Địa Trung Hải, phong cách Bohemian đến Minimalism, Organic, Hitech…
Ngoài ra, với khối lượng màu sắc đa dạng như vậy, gỗ công nghiệp dễ dàng hướng đến sở thích của bất kỳ lứa tuổi nào, từ già đến trẻ, từ nam tính đến nữ tính…
# Chất lượng gỗ công nghiệp
Với mỗi loại gỗ với giá thành khác nhau, chất lượng gỗ cũng theo đó mà có loại sở hữu đặc tính bình thường, đáp ứng nhu cầu phổ thông của khách hàng như MFC, MDF. Tốt hơn thì sẽ có những loại có những đặc tính kỹ thuật chất lượng hơn như siêu kháng ẩm, mối mọt chịu lực, chịu nhiệt tốt, nhẹ, chống cháy…
# Giá thành gỗ công nghiệp
Nói về giá bán thì không một loại gỗ tự nhiên nào có thể cạnh tranh. Gỗ ép ngày nay có đầy đủ các mức giá từ giá rẻ đến cao cấp, tương ứng với chất lượng tương tự gỗ tự nhiên.
# Thời gian sản xuất và thi công
Được sản xuất bán hoàn thiện thành những tấm mỏng với kích thước tiêu chuẩn là 1220 x 2440 mm cùng với sự hỗ trợ bằng các thiết bị máy móc gia công hiện đại… đã giúp cho việc sản xuất thi công gỗ công nghiệp trở nên đơn giản, nhanh chóng hơn nhiều lần so với gỗ thật, gỗ nguyên khối. Thông thường, với nội thất nguyên của một toà nhà từ bàn ghế phòng khách, giường ngủ, tủ quần áo… có thể chỉ hoàn thành trong 3-5 ngày.
Nhược điểm của gỗ công nghiệp
# Độ bền theo thời gian
Một số loại gỗ giá rẻ như MFC từ nhà sản xuất không có uy tín thường nhanh hỏng, không bền theo thời gian. Từ đó đã là nảy sinh lối tư duy gỗ công nghiệp không phải lựa chọn tốt. Với những loại gỗ nhân tạo hiện đại chất lượng, có thể độ bền lên đến 30-40 năm, thậm chí chống chịu lại điều kiện tự nhiên khắc nghiêt…
# Khả năng chịu lực
Sự so sánh này có vẻ khá khập khiễng khi mà chúng ta sử dụng gỗ tự nhiên, đặt theo xớ dọc thì khả năng chịu lực chắc chắc đa phần sẽ cao hơn gỗ công nghiệp. Tuy vậy, ngày nay đã có vài loại gỗ nhân tạo có khả năng còn cao hơn rất nhiều như Black HDF, HDF…
# Tuổi thọ gỗ công nghiệp
Người dùng phổ thông sẽ cho rằng loại gỗ này có tuổi thọ không cao, hạn chế chỉ tầm 5-10 năm. Thực tế, với những loại gỗ công nghiệp tốt, nếu được sử dụng cho nội thất văn phòng thì thời gian sử dụng có thể lên đến hàng chục năm, mà vẫn rất bền màu, không bị biến dạng…
# Khó chạm trổ hoa văn, họa tiết phức tạp
Hầu hết ván gỗ công nghiệp đều ít có khả năng được gia công thành khối tượng gỗ, khối phù điêu, hoặc các đồ vật trang trí có nhiều hoa văn và hoạ tiết phức tạp. Điều này có thể cải thiện khi dùng phương pháp ghép nhiều tấm ván thô lại với nhau, kết hợp các loại máy khắc CNC 3D.
Bảng giá các loại gỗ công nghiệp
Trên thị trường, hầu hết các công ty sản xuất gỗ công nghiệp đều có những mức giá khác nhau. Với những người mua số lượng ít ỏi, không thường xuyên, khách hàng lẻ thì giá bán gỗ này sẽ tương đối cao hơn và chưa bao gồm chi phí vận chuyển đến nơi chỉ định. Đối với những xưởng gỗ lớn là những khách hàng lớn, số lượng đơn đặt hàng nhiều và thường xuyên sẽ được ưu đãi với giá thấp hơn so với giá niêm yết.
Dưới đây là bảng báo giá các loại ván công nghiệp của nhà sản xuất An Cường, Thanh Thùy, Hồng Nghi với dòng sản phẩm gỗ MDF thông dụng
Bảng giá các loại gỗ công nghiệp An Cường
Bảng giá gỗ công nghiệp Thanh Thùy
>>>Xem thêm: So sánh gỗ Thanh Thùy và An Cường
Bảng giá gỗ công nghiệp Hồng Nghi
Một số mẫu nội thất bằng đồ gỗ công nghiệp
Vật dụng nội thất làm bằng gỗ công nghiệp rất đa dạng và phong phú. Trải dài từ không gian sống trong gia đình như phòng khách, phòng ngủ, nhà bếp… đến không gian làm việc, nơi công cộng. Rất nhiều nhà thiết kế nội thất hiện đại đã áp dụng 100% gỗ công nghiệp vào các dự án của mình, đặc biệt là các căn hộ chung cư, Officetel từ giá rẻ đến cao cấp. Nếu đang dự định tậu một không gian nội thất cho riêng mình, bạn có thể xem xét đến những đồ vật dụng, sản phẩm nội thất làm từ ván công nghiệp như bàn ghế tủ bếp dưới đây.
Tủ quần áo gỗ
Tủ quần áo gỗ công nghiệp đang là xu thế phổ biến hiện nay. Mẫu mã đa dạng, thiết kế trẻ trung hợp với nhà phố hay căn hộ chung cư hiện đại, giá thành lại rẻ hơn nhiều so với tủ quần áo gỗ tự nhiên.
Giường gỗ
Giường ngủ gỗ công nghiệp ngày nay không chỉ có giá rẻ mà còn có rất nhiều mẫu thiết kế đẹp và đa dạng và ngày càng được khách hàng ưa chuộng.
Bàn làm việc gỗ
Bàn làm việc là sản phẩm nội thất văn phòng quan trọng cho mỗi doanh nghiệp với nhiều thiết kế đa dạng về mẫu mã, kích thước và chất liệu gỗ công nghiệp.
Tủ bếp gỗ
Tủ bếp bằng gỗ công nghiệp hiện đang là xu thế lựa chọn của rất nhiều gia chủ. Không chỉ rẻ, đẹp mà còn mang lại rất nhiều tiện ích, công năng sử dụng cho nhà bếp của bạn.
Kệ tivi gỗ ép
Kệ tivi gỗ HDF
Tủ rượu gỗ
Tủ giầy gỗ
Hy vọng những thông tin cực kỳ hữu ích trên đây đủ để bạn hiểu rõ về các loại ván gỗ công nghiệp cũng như có cái nhìn tổng quan hơn như ưu điểm, nhược đểm và nên dùng loại nào phù hợp nhất để xây dựng không gian nội thất hay chọn mua sản phẩm nội thất của riêng mình.